Từ ngày 5.12 tới đây, tài xế chạy xe công nghệ sẽ đóng thuế 10% trên doanh thu. Khi nghe thông tin này, nhiều tài xế lo lắng khi doanh thu ngày càng thấp và đời sống ngày càng khó khăn.
Theo điều 7 nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5.12, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế GTGT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay.Khi hay tin "không vui" như trên, anh Nguyễn Hoàng Vũ (33 tuổi, quê Bình Thuận) liền mở máy cho PV xem tổng doanh thu của anh chạy từ lúc 5h sáng đến 16h cùng ngày 26.11 chỉ được 138.000 đồng.
"Với mức thư nhập như vậy, trừ chi phí xăng xe, ăn uống trong ngày và phí quản lý thì coi như cả ngày tôi không còn dư đồng nào. Do vậy, nếu phải đóng thuế 10% trên doanh thu, thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay sẽ càng thêm gánh nặng cho anh em chạy xe", anh Vũ nói.
Anh chia sẻ thêm thông tin, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên anh phải chạy xe công nghệ để kiếm tiền nuôi con đang học lớp 5.
"Gia cảnh khó khăn nên tôi phải gửi con cho bà ngoại trông giúp, hàng tháng cũng phải gửi tiền về nuôi con và lo cho con đi học. Tuy nhiên, từ hôm dịch đến nay tôi hầu như không có thu nhập, chỉ mới có thu nhập lại từ 2 tháng qua sau khi dịch được kiểm soát tốt. Giờ nghe tăng thuế như vậy, thú thật là rất lo không biết có nuôi nổi con đi học hay không khi doanh thu chạy xe ngày càng giảm" - anh Vũ chia sẻ.
Cùng tâm trạng như anh Vũ, những ngày nay anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình) vừa chạy xe công nghệ nhưng cũng vừa tính toán đến việc đổi nghề. Lý do anh Tuấn đưa ra là nếu thuế phải đóng theo 10% doanh thu như quy định mới, cộng với khoản thu phí quản lý, chi phí xăng, bảo dưỡng, trả lãi ngân hàng,...là vượt khả năng của anh.
"Chạy được 100 đồng thì hãng thu 25 đồng, rồi trừ chi phí xăng xe, bảo trì bão dưỡng, ăn uống, trả nợ lãi và gốc ngân hàng,...Anh em chạy xe công nghệ chỉ biết lấy công làm lời, nay phải đóng thuế bằng 10% doanh thu coi như là mất luôn cả tiền công. Đóng thuế 10% doanh thu, chắc tôi bán xe đi tìm việc làm khác thôi" - anh Tuấn nói.
Doanh nghiệp đóng chứ không phải tài xế
Tại buổi đối thoại về thủ tục thuế và hải quan tổ chức hôm 24.11 ở Hà Nội, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, các doanh nghiệp Grab, Be và Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.Theo bà Lan, nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế. Grab và một số hãng xe công nghệ khác có mặt trên nhiều nước, chứ đâu chỉ ở VN. Và chính sách kê khai, nộp thuế của VN cũng như các nước, còn thuế GTGT là doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng.
Bà Lan chia sẻ thêm thông tin, tài xế không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay nữa, mà trách nhiệm nộp là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee và Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT chứ không phải là tài xế. Quy định này đúng bản chất hoạt động kinh tế phát sinh, phù hợp thông lệ quốc tế và các luật về thuế. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay.
Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại của Grab cho biết, theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.
Theo tính toán của Grab, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5.12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-te/dong-thu...i-ban-xe-di-tim-viec-lam-khac-thoi-857565.ldo