Chứng khoán Việt Nam bước sang năm 2024 với kỳ vọng lớn từ giới đầu tư dựa trên nền tảng vĩ mô vững chắc. Một bức tranh có nhiều gam màu dựa trên phân tích tổng thể triển vọng và thách thức vĩ mô từ góc nhìn của chuyên gia Chứng khoán SSI.
Nhìn lại một năm nhiều biến động
Nhìn lại năm 2023, chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực sau một năm 2022 giảm sâu. Mức tăng điểm 12,2% trong năm của VN-Index giúp Việt Nam vượt trội hơn nhiều các thị trường chứng khoán khác trong khu vực châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Phillipines, Singapore.
Trên thực tế, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trong năm 2023. Thanh khoản bình quân năm - dù vẫn thấp hơn khoảng 12% so với 2022 (quanh 17.600 tỷ đồng) - nhưng cải thiện đáng kể so với mức nền thấp của quý cuối 2022. Trong đó thanh khoản đã tăng dần trong các quý, và vẫn duy trì ở mức cao trong thời điểm đầu năm 2024.
Những phiên giao dịch tỷ USD xuất hiện trở lại năm 2023 dày hơn và dòng tiền nội đã thể hiện vai trò nâng đỡ, trong khi khối ngoại trở lại rút ròng gần 1 tỷ USD. Việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trong năm 2023 cũng là xu hướng chung tại nhiều thị trường trong khu vực, trong bối cảnh đồng USD tăng cao, và Việt Nam cũng không có nhiều cổ phiếu mới niêm yết hoặc thuộc các ngành đang nóng như công nghệ hay liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Trong một năm sóng gió của nền kinh tế thế giới với biến động địa chính trị, mặt bằng lãi suất USD tăng cao trong thời gian dài, việc Việt Nam giữ được mức tăng trưởng GDP ở mức 5,05% cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận. Quan trọng hơn là các nỗ lực xử lý các vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước đầu có kết quả, không để tạo ra những hệ lụy quá tiêu cực trong tâm lý nhà đầu tư. Đến thời điểm này có thể khẳng định thời điểm khó khăn nhất đã qua, mặt bằng lãi suất đã quay trở lại mức thấp, lạm phát được kiểm soát và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng không còn tình trạng căng thẳng như cuối năm 2022.
Hướng đến những mảng màu sáng
Bước sang năm 2024, chuyên gia của Chứng khoán SSI kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn so với năm 2023, và dù tốc độ phục hồi có phần chậm hơn so với chu kỳ 2013 – 2019 nhưng đó cũng là điều khó tránh khỏi khi kinh tế thế giới và Việt Nam đang ở trong một bối cảnh tăng trưởng khác.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay là 6 – 6,5% và lạm phát kiểm soát trong ngưỡng 4 – 4,5%. Những động lực cho nền kinh tế được nhà phân tích đưa ra đến từ trong nước như kế hoạch thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, cắt giảm thuế, tăng lương ở cả khu vực công và tư nhân. Ngoài ra, việc Quốc hội thông qua một số dự án luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở… sẽ tạo ra cơ sở pháp lý ổn định tạo nền cho đà tăng trưởng của giai đoạn mới.
Cùng với động lực trong nước, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi với vị thế là một mắt xích quan trọng để duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu, đang đóng vai trò kết nối giữa các cường quốc kinh tế vốn đang có sự cạnh tranh chiến lược, nhờ vào sự trung lập tích cực của mình. Vai trò của các ngành sản xuất tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khẳng định.
Thêm vào đó, việc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cam kết tăng trưởng xanh và bền vững, nỗ lực đưa phát thải ròng bằng 0, xu hướng điện khí hóa, hay câu chuyện về giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện tử tại đây với mảnh ghép đầy hấp dẫn là ngành công nghiệp bán dẫn… đưa Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Đó là chưa kể tới việc Chính phủ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí logistics, góp phần kéo chi phí sản xuất/chế biến chế tạo tại Việt Nam giảm tương đối so với các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh những yếu tố vĩ mô, một điểm tích cực với kênh đầu tư chứng khoán sẽ được duy trì từ năm 2023 sang năm 2024, đó là mức nền lãi tiền gửi tiết kiệm thấp, tạo động lực kích thích dòng tiền tìm kiếm những tài sản khác hấp dẫn hơn để phân bổ.
Song nói như vậy không đồng nghĩa rằng nền kinh tế hoàn toàn sáng cửa khi bước qua vùng đáy. Những rủi ro từ thị trường bất động sản, sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu hay dấu hiệu suy yếu của nhiều địa phương có khối FDI làm "đầu tàu" có thể ảnh hưởng đến bức tranh vĩ mô tổng thể. Trên thế giới, nguy cơ về một cuộc suy thoái vẫn đang hiện hữu, kịch bản các nền kinh tế lớn sẽ "hạ cánh mềm" có thể bị phá vỡ bởi nhiều yếu tố.
Từ đây, giới đầu tư chứng khoán có thể phải đặt mình trong kịch bản "lạc quan trong thận trọng" khi những cơ hội và thách thức vẫn đang đan xen, mặc dù có nhiều cơ sở để kỳ vọng rằng những gì xấu nhất đã đi qua. Bàn sâu hơn về bức tranh kinh tế - tài chính – chứng khoán năm 2024, chuyên gia từ SSI sẽ đưa ra những phân tích về sự tác động của vĩ mô đến thị trường chứng khoán Việt Nam, xác suất của những kịch bản hay những nhóm ngành được kỳ vọng trong năm nay tại sự kiện Vietnam C-Suite Forum 2024 cho do CTCP Chứng khoán SSI cùng Citi Group phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 22-25/1/2024 tại Sofitel Legend Metropole (Hà Nội). Sự kiện cũng mời đến nhiều chuyên gia tài chính đầu ngành, lãnh đạo lớn của doanh nghiệp để cùng thảo luận nhiều vấn đề nóng hổi khác của thị trường, như việc nâng hạng thị trường, tiềm năng và triển vọng các ngành Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ…
Đây là sự kiện uy tín do SSI và Citi Group phối hợp tổ chức thường niên kể từ năm 2018 nhằm kết nối dòng vốn đầu tư ngoại và các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đường cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm những nguồn vốn mới hiệu quả hơn, thực hiện sứ mệnh "Kết nối vốn và cơ hội đầu tư" mà SSI theo đuổi trong hơn 20 năm hoạt động đồng hành cùng thị trường chứng khoán.
Credit: Hà Linh theo An ninh tiền tệ