Chọn nền tảng blog nào để bắt đầu viết Blog không phải là một vấn đề đơn giản. Người thiếu kinh nghiệm thường hay loay hoay với những thử nghiệm và có cảm giác như lạc vào một ma hồn trận của những đánh giá phân tích tranh cãi . Cuộc chiến của các nền tảng Blog sẽ mãi mãi nóng bỏng và không bao giờ kết thúc.
Kinh nghiệm viết blog cho thấy vấn đề của blogger không phải là chọn lựa nền tảng nào tốt nhất mà là chọn lựa nền tảng nào phù hợp nhất.
Bạn là người mới hoặc đã viết từng viết blog và quyết định bắt đầu một dự án mới nghiêm túc hơn. Điều quan trọng nhất của việc lựa chọn nền tảng là thành thật đánh giá những điểm mạnh điểu yếu của chính mình. Có 3 điểm sau đây bạn cần phải chú ý:
1. Điều thật sự bạn muốn là gì?
Nhiều bạn trả lời ngay, tôi muốn viết blog, tôi muốn chia sẻ với cộng đồng. Hãy cẩn thận với phát biểu của bạn. Định nghĩa về Blog rất rộng có rất nhiều loại blog khác nhau từ hình thức, nội dung, cho đến độ ngắn dài, và phương pháp thể hiện. Giả sử với một đề tài cụ thể hãy viết blog về con mèo của bạn. Bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều cách khác nhau thể hiện chủ thể con mèo.
Một số bạn sẽ kể một câu chuyện cảm động về con mèo. Một số bạn sẽ quay phim, số khác chụp ảnh rồi vẽ thêm vào lời bình thật độc đáo. Một số bạn đơn giản viết một thông điệp trên status: “Con mèo của tui đang trong… toilet” chẳng hạn.
Hãy suy nghĩ thật cẩn thận xem bạn muốn chia sẻ điều gì, và bạn sẽ chia sẻ nó như thế nào?
2. Cân bằng giữa kỹ thuật và kinh tế?
Khi được hỏi về Blog tương lai của mình, tâm lý chung nhiều bạn sẽ trả lời muốn rất nhiều thứ, nhiều tính năng góp nhặt từ nhiều trang web khác nhau.
Trên thực tế không một nền tảng nào đáp ứng được hết tất cả các nhu cầu của bạn.
Giới hạn thứ nhất là giới hạn về kỹ thuật. Không thể có một chiếc xe vừa đi trên bộ, vừa bay được lại có thể chạy trên sông nước. Bạn phải lựa chọn tính năng phù hợp nhất và hy sinh những tính năng còn lại.
Giới hạn thứ hai là khả năng của bạn. Có rất nhiều nền tảng viết blog khác nhau từ mức độ nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp nhất. Một nền tảng thích hợp là một nền tảng mà bạn thông thuộc và có khả năng sử dụng hết các tính năng chức năng của nó. Chọn một nền tảng quá phức tạp về kỹ thuật so với khả năng sử dụng của bạn là một gánh nặng.
Ai cũng biết muốn có một chiếc xe hơi đắt tiền nhưng nếu không có bằng lái xe thì chiếc xe đó chẳng có thể dùng vào việc gì cả Smile
Tất nhiên bạn sẽ nói rằng, mình hoàn toàn có thể thuê tài xế cũng như hoàn toàn có thể một ai đó quản trị blog của bạn. Nhưng nó sẽ đụng chạm đến một vấn đề khác: Giới hạn thứ ba là kinh phí – bạn có thể chi bao nhiêu cho blog của bạn?
Nó tùy thuộc vào kinh phí dự trù của bạn, nếu có nhiều tiền, bạn hoàn toàn có thể thuê một công ty thiết kế riêng cho bạn một blog. Nếu ít tiền bạn hoàn toàn có thể tự mình mua host gia rẻ và tự làm trang weblog cho riêng mình. Hoặc nếu không muốn chi đồng nào cũng có những nền tảng thích hợp với những tính năng giới hạn.
Tóm lại cần suy nghĩ kỹ để tạo sự cân bằng giữa kỹ thuật, kinh tế và khả năng của bạn.
3. Cân bằng giữa nội dung và nội lực.
Đừng nghĩ rằng nội dung của blog không liên qua gì tới việc lựa chọn nền tảng viết blog. Bạn cần phải suy nghĩ xem bạn viết về vấn đề gì, mức độ am hiểu của bạn về vấn đề đó như thế nào, độ sâu của thông tin trên blog bạn ở đâu.
Trên thực tế nếu bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó thì nền tảng không còn quan trọng nữa điều này không như khi nội lực của bạn đạt đến trình độ nhất định thì việc sử dụng cỏ cây làm khí giới cũng không hề gì.
Tuy nhiên nếu bạn không tự tin về nội lực của mình cũng như nội dung trang blog của bạn không có gì đặc sắc mới mẻ thì bạn cần phải có những nền tảng viết blog chuyên nghiệp, khả năng SEO tốt để đem trang blog của bạn đến với mọi người. Lúc này nền tảng chính là vũ khí sắc bén giúp bạn chiến thắng.
Bạn hãy xem sơ đồ ở trên, hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn ít nhiều trong việc lựa chọn một nền tảng viết blog phù hợp.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là nếu như bạn cảm thấy quá phân vân vì có quá nhiều nền tảng, có quá nhiều phân tích đánh giá của quá nhiều các chuyên gia thì đơn giản là bạn hãy quên hết đi, hãy chọn nền tảng nào bạn cảm thấy thoải mái, thân thuộc và thuận tiện nhất.
Bởi vì, chỉ có bước chân nhẹ nhàng mới đưa bạn đi xa được.