Cửa hàng bánh tráng trộn lãi tiền triệu mỗi ngày
Nhờ khéo léo trong cách chế biến, sản phẩm sạch sẽ, một ngày anh Viên bán được hơn 600 gói bánh tráng trộn, thu về hơn triệu đồng tiền lãi mỗi ngày.
Với mức lương 3 triệu đồng một tháng khi làm nhân viên in vé số cho công ty sổ xố kiến thiết, anh Viên ở quận 3 (TP HCM) không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau nhiều trăn trở về hướng mưu sinh, cùng những gợi ý về sở thích ăn vặt của 2 cô con gái, năm 2010 vợ chồng anh nảy ra ý tưởng mở cửa hàng bánh tráng trộn.
Nhân của bánh tráng trộn. Ảnh:
Hồng Châu.
Với số tiền dành dụm ít ỏi chỉ vài triệu đồng, 2 vợ chồng quyết định mở quán với vài bộ bàn ghế nhựa, một số dụng cụ và nguyên liệu chế biến. Vì ít vốn, anh Viên tận dụng luôn căn nhà nhỏ 16m2 của mình đề mở cửa hàng. Nơi đặt hàng hóa cũng chỉ chiếm vài m2 mặt tiền, bên trong vẫn đủ để cho gia đình và con cái sinh hoạt hằng ngày.
“Thời gian đầu mở tiệm bánh tráng trộn tôi cũng lo lắng, không biết khách có hưởng ứng không, nhưng chỉ qua vài ngày đã có cả trăm lượt khách, có người mua tới 2-3 gói. Cách đây 4 năm, chi phí thực phẩm rẻ nên số tiền kiếm được cũng giúp gia đình trang trải cuộc sống tốt hơn so với trước đó”, anh Viên nói.
Khách bốc số, xếp hàng để chờ mua bánh tráng trộn. Ảnh:
Hồng Châu.
Phong cách phục vụ niềm nở, chế biến hợp khẩu vị của số đông thực khách nên dù nép mình trong căn nhà nhỏ, quầy bánh tráng trộn của gia đình anh Viên từ 15h chiều tới 22h tối vẫn nườm nượp khách đến mua. Buổi chiều, nắng gắt oi ả, mọi người vẫn lấy số thứ tự và xếp hàng chờ đợi. Một số khách đến sau, không còn chỗ để xe, chủ quán gợi ý lấy số thứ tự nhưng có thể đi đâu đó cần thiết rồi quay lại lấy để tránh tình trạng tắc đường chờ mua bánh tráng.
Lượng khách "ruột" của quán giờ không chỉ là các bạn trẻ, sinh viên, dân văn phòng, các bà nội trợ mà ngay cả những đấng mày râu cũng toát mồ hôi xếp hàng chờ đợi.
Thấy lượng khách đến quán đông, nhiều người cũng chen chân mở 4-5 cửa hàng dọc con đường này để cạnh tranh, nhưng vẫn không làm cho sức hút của quầy bánh tráng trộn của anh Viên thuyên giảm.
Sau 4 năm mở quán, hiện một ngày số lượng khách đặt mua lên tới 600, có người đặt 20-30 gói. Giá mỗi gói 15.000 đồng, sau khi trừ tất cả chi phí 2 vợ chồng anh cũng lời được trên một triệu đồng một ngày.
"Nghe thì có vẻ dễ dàng vậy, nhưng để kiếm được số tiền đó 2 vợ chồng tôi cũng phải làm việc miệt mài từ sáng sớm cho đến tận khuya", anh Viên chia sẻ.
Người đàn ông này bộc bạch thêm, hàng ngày cứ 5h sáng 2 vợ chồng đã có mặt ở chợ để chọn nguyên liệu chủ đạo như hành tươi, đậu phộng rang, tép, gan bò, khô mực, xoài, rau thơm đem về hì hục chế biến tới 14h chiều. Sau khi chế biến tươm tất, đúng 15h sản phẩm được bày bán. Khoảng thời gian 15h-22h là "thời điểm vàng” mà 2 vợ chồng tất bật với khách hàng.
“Thời gian trước, khi chưa biết đến dụng cụ trộn hiện đại, 2 vợ chồng tôi phải trộn bằng đũa khiến cho 2 tay nhức mỏi và ê ẩm, sức khỏe yếu dần đi. Nhưng từ khi có một dụng cụ mới trộn bằng máy, chúng tôi đã đỡ mệt hơn nhiều”, anh Viên nói.
anh Viên tất bật đi giao hàng cho khách. Ảnh:
Hồng Châu.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh và giữ chân khách, anh Viên cho biết, yếu tố quan trọng nhất là phải cẩn thận trong khâu chọn bánh và các nguyên liệu làm nhân sao cho vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh. Anh bật mí, đa phần nhân trộn do chính tay anh làm. Chẳng hạn như con ruốc (tép nhỏ), gan, khô bò anh thường ra chợ tự tay chọn lựa, mang về rửa sạch sẽ và chế biến theo hương vị riêng. Ngoài ra món bánh này cũng không thể thiếu hương vị đặc trưng của xoài xanh, mỡ hành có độ béo vừa phải...
“Con ruốc mua ở ngoài thường rất nhiều sạn nên để đảm bảo vệ sinh tôi phải tự tay làm chứ không dám mua ngoài, mất công sức một chút nhưng người dùng cảm thấy ngon miệng và an toàn”, anh Viên chia sẻ.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Viên cho biết sẽ mở cửa hàng rộng hơn, tuy nhiên vẫn chưa xác định thời điểm rõ ràng vì còn phải xem xét lại sức khỏe và lượng khách.
Bánh tráng trộn là món ăn nhẹ có xuất xứ từ Tây Ninh, được ưa chuộng rộng rãi ở Sài Gòn khoảng chục năm trở lại đây. Món này có vị lạ miệng, nguyên liệu gồm bánh tráng, trứng cút luộc, thịt bò khô, tép khô, mực khô, xoài xanh xắt nhỏ, đậu phộng (lạc) rang, hành củ và hành lá phi thơm, cho thêm nước tắc vào trộn đều với nhau. Giá mỗi gói bánh dao động 10.000-20.000 đồng.